Ono Natsume đang là hoạ sĩ được đông đảo bạn đọc, nhất là bạn đọc Italia mến mộ vì cách thể hiện rất tinh tế và chân thực những rung động tình yêu và những suy nghĩ về tình bạn trong các sáng tác của ông. Sato Kenichi đã từng nói: ”Sức hấp dẫn trong truyện của Ono chính là ở cách biểu hiện đầy huyền bí”.
Sau những năm tháng hoạt động ở các tạp chí truyện tranh, năm 2003, hoạ sĩ Ono đã trình làng tạp chí web thông qua “LA QUINTA CAMERA ~căn phòng thứ 5~”. Và tháng 5 năm 2006, hoạ sĩ Ono đã nhận được sự đánh giá cao từ công chúng khi ra mắt “Listrante Paradise” cùng nhà xuất bản Futoda.
Có thể nói, hầu hết các tác phẩm của hoạ sĩ Ono dường như là những trải
nghiệm của chính ông cách đây 5 năm về trước khi còn là một lưu học
sinh ngôn ngữ học tại Italia trong khoảng thời gian gần 10 tháng. Trải
nghiệm ấy hiện lên trong quang cảnh của những khu phố Italia cổ kính,
trong tâm trạng tươi vui, khoẻ khoắn của chính tác giả. Hoạ sĩ tâm sự
rằng: “Tôi yêu âm điệu êm đềm của tiếng Ý và tôi thực sự bị hấp dẫn bởi
đất nước xinh đẹp này khi quan sát cuộc sống ở nơi đây”. Trên diễn đàn
“Listrante”, tác giả đã nói: “Trong thế giới hiện đại ngày nay, có thể
thật lạ lẫm khi xuất hiện những ông cụ già chải chuốt như một quý ông,
thế nhưng tôi lại cảm thấy một sức hấp dẫn đặc biệt từ phong thái ấy”.
Tuy nhiên, điều hấp dẫn nhất trong các tác phẩm của hoạ sĩ Ono lại không
phải là những trải nghiệm như vậy mà là sự miêu tả một cách tinh tế
những rung động trong trái tim người thiếu nữ. Nữ nhân vật chính trong
vai một người phục vụ bàn luôn phải sống trong day dứt cho đến khi cô
được làm mẹ. Sự phức tạp trong mối quan hệ giữa con người với con người
được biểu hiện thông qua lối bày tỏ tình cảm và cách nói chuyện hết sức
tự nhiên, không sáo rỗng- đó chính là giá trị ẩn chứa trong các tác
phẩm của Ono. Hoạ sĩ nói rằng: ”Mỗi người đều có những suy nghĩ khác
nhau, có những suy nghĩ ta có thể hiểu được nhưng có những điều thì
không. Tôi thực sự thích thú khi viết về những điều đó.”
Tác phẩm mới của hoạ sĩ Ono có tên là “Saraiyagoha” khác hoàn toàn các tác phẩm trước đều lấy bối cảnh là thời Edo.
Lấy cảm xúc từ lòng khâm phục về tình bằng hữu giữa những người đàn
ông, hoạ sĩ thể hiện cảm nhận của mình về khoảng cách kỳ lạ không thể
tách rời giữa những võ sĩ samurai và vị chủ tướng mà họ quyết phụng sự
cả đời. Hoạ sĩ nói: ”Điều mà tôi thích nhất chính là hình ảnh con người
luôn gắn bó với nhau mà không cần đến ngôn ngữ.”.
Do nhà xuất bản chịu trách nhiệm ra mắt những tác phẩm của Ono đã phá sản nên đầu năm 2006, bạn đọc hầu như không có cơ hội nào để có thể sở hữu những bộ truyện của ông. Nhưng vì số lượng fan chính của ông lại là
những nhân viên hiệu sách cũng như những người biên tập với số lượng vô
cùng đông đảo nên hiện nay, 3 cuốn truyện đã được phát hành trở lại. Có
thể nói, hiện tượng này thực sự sẽ gây nên một cơn sốt lớn.
Ngoài ra, đáng chú ý nhất gần đây là các buổi trưng bày và giới thiệu các tác phẩm của Ono Natsume được tổ chức ở 450 cửa hàng sách trên toàn quốc. Các nhà xuất bản và hiệu sách liên quan như Nhà xuất bản Futoda hay Shogakukan đều lập ra những tổ chức để ủng hộ mang tên “Hội Natsume” và có những hoạt động quảng bá chung. Ông Yasushima (Nhà xuất bản Shogakukan) đã nói: ”Do nhu cầu từ các hiệu sách tăng cao nên chúng tôi đáp ứng bằng cách phát hành lại những tác phẩm của hoạ sĩ này”.
Trong tháng 8/2006, tạp chí Morning sẽ tăng lượng phát hành và đặc biệt, tạp chí Morning 2 cũng sẽ được trình bày bìa bằng chính DANZA của hoạ sĩ Ono với những màu sắc rất mới lạ.
(AMWorld tổng hợp)