Thị trường đang tràn ngập những ấn phẩm truyện tranh kích động bạo lực,
tình dục như thế nàyBerne, TRIPs - những công ước, hiệp định về sở hữu
trí tuệ - được áp dụng rộng rãi ở Việt Nam đã trở thành nguyên nhân
chính khiến thị trường truyện tranh bùng phát loại truyện kích động bạo
lực, lệch lạc tình dục. Ý kiến trên có hoàn toàn chính xác? Vì đâu có
sự ngược đời này?
Máu nhuộm trang giấy!
Anh em để làm gì? Để có thêm người giết chết mọi kẻ cản đường, bước tới bá chủ thiên hạ - cái lý thuyết "đầy máu" này ở đâu ra? Xin thưa, từ một cuốn truyện tranh nhan đề Bạo tộc X. Đây phải chăng là một hiện tượng cá biệt trong thị trường truyện tranh vốn đầy màu sắc hiện nay? Đáng tiếc là ngược lại!
Bước vào bất kỳ một quầy bán văn hóa phẩm nào thì khu vực truyện tranh
luôn là khu đầy màu sắc nhất, thu hút sự chú ý của đông đảo bạn đọc trẻ
nhất. Ham đọc luôn là điều tốt nhưng đọc gì lại là chuyện khác. Tràn
ngập trên kệ là những tác phẩm đầy chất bạo lực, tình dục. Đâm chém
giết người như Bạo tộc X chỉ là “chuyện nhỏ”. Ở đây, những bạn đọc trẻ có thể tìm thấy những tác phẩm chứa đầy hận thù, phản bội, máu lửa như Vua quyền; yêu đương nhăng nhít ở lứa tuổi học trò tràn ngập những trang truyện của Trường nữ sinh, tình yêu con nít trong Công chúa nhân ngư…
Hiện nay, thị trường truyện tranh đang rộ lên hai dòng truyện tranh
chính, một là loại truyện tranh dành cho nữ với kiểu thể hiện ẻo lả, ủy
mị (trong đó, mọi nhân vật dù nam hay nữ đều được thể hiện đầy nữ
tính). Hai là loại truyện tranh võ hiệp, trong đó các nhân vật chính,
tà đánh nhau trong mọi hoàn cảnh tình huống, kể cả những chuyện yêu
đương cũng bị bạo lực hóa nhằm thỏa mãn nhu cầu thưởng thức bạo lực của
người đọc. Có thể nói rằng, truyện tranh tình cảm, bạo lực kiểu đó đã
trở thành kẻ thay thế mới cho loại tiểu thuyết “kiếm hiệp ba xu”, “ái
tình sướt mướt” rầm rộ một thời.
Lỗi tại bản quyền?
Tại sao gần đây, loại truyện tranh này lại có xu hướng bùng nổ mạnh mẽ
như vậy? Trả lời câu hỏi trên, có người cho rằng nguyên nhân chính là
do việc áp dụng chặt chẽ bản quyền tại Việt Nam. Đây là câu trả lời đầy
nghịch lý nhưng lại khả dĩ phù hợp với tình hình truyện tranh trong
nước hiện nay. Thực tế, chính sự sút giảm số lượng tác phẩm truyện
tranh tung ra thị trường của hai đại gia trong lĩnh vực này là NXB Trẻ
và NXB Kim Đồng đã tạo ra khoảng trống cho truyện tranh bạo lực, tình
dục trỗi dậy.
Sự sút giảm này đã được dự báo từ trước. Với việc tôn trọng bản quyền
theo các quy định quốc tế, các NXB trên gặp nhiều khó khăn để thương
lượng mua bản quyền những tác phẩm truyện tranh mới. Đơn cử như vừa
qua, cả hai đơn vị này đều không thể mua bản quyền hàng loạt tác phẩm
truyện tranh ăn khách như Deadnote (tựa truyện ăn khách nhất tại Nhật vừa qua), Naruto (liên tiếp đứng đầu trong các bảng xếp hạng tại Nhật)…
Trong khi đó, với việc xem nhẹ bản quyền, các đầu nậu sách đã sao chép
và tung ra thị trường Việt Nam hầu như tất cả những truyện tranh này.
Tuy nhiên, do cẩu thả trong thực hiện nên các tác phẩm này bị xem nhẹ
về chất lượng, hình ảnh hầu như chỉ là photo lại từ nguyên bản nên xấu
và rất khó xem.
Đặc biệt, khâu biên tập kém đã dẫn đến phá hỏng tuyến truyện, gây hiểu
nhầm giá trị tác phẩm nơi độc giả. Ngoài ra, với yếu tố kinh doanh được
chú trọng, những người làm sách dạng này thường chỉ cần bán được sách,
còn bán cho ai thì không quan trọng. Những tác phẩm như Deadnote (bản dịch Quyển sổ thiên mệnh)
là một tác phẩm rất hay về cuộc đấu tranh thiện ác, trong đó ác hay
thiện đan lẫn vào nhau. Đây là một tác phẩm dành riêng cho người đã
trưởng thành do hình ảnh chết chóc, ý nghĩa nhân văn khá phức tạp, thế
nhưng bất kỳ một em học sinh tiểu học nào cũng có thể tìm mua dễ dàng.
Việc quy tội để bùng nổ loại sách này là do bản quyền thực ra chỉ là
một cách ngụy biện. Chính việc quản lý theo kiểu “nắm người có tóc” mà
để lỏng cho giới làm sách lậu mặc sức tung hoành mới là nguyên nhân
chính gây ra tình trạng lộn xộn truyện tranh hiện nay. Tăng cường các
biện pháp quản lý, ngăn chặn loại sách này không chỉ đảm bảo quyền sở
hữu trí tuệ được tôn trọng, tránh cho Việt Nam những rắc rối không đáng
có về mặt pháp lý mà còn góp phần làm trong sạch thị trường truyện
tranh, một trong những kênh giải trí chính của thanh thiếu nhi hiện nay.
Theo TÂN TƯỜNG - Sài Gòn Giải Phóng